Nhiều bà bầu băn khoăn không biết trong quá trình mang thai có nên uống sữa đậu nành và sữa đậu nành có thực sự ảnh hưởng đến giới tính của thai nhi hay không? Dưới đây là những thông tin bổ ích về sữa đậu nành đối với bà bầu sẽ giúp chị em phụ nữ giải đáp thắc mắc trên.
Công dụng của sữa đậu nành đối với bà bầu.
– Sữa đậu nành được chế biến từ đậu nành, là một trong những nguồn thực phẩm cung cấp protein dồi dào, rất tốt cho sức khỏe của con người. Protein có trong đậu nành giúp cung cấp đầy đủ và cân đối các axit amin cần thiết cho cơ thể.
– Bên cạnh đó, đậu nành còn chứa rất nhiều axit béo linoleic, linolenic, omega-3 là những axit béo không no thiết yếu, giúp cơ thể tăng cường hấp thụ chất dinh dưỡng, điều chỉnh huyết áp, làm tăng sự phát triển của các tế bào.
– Đặc biệt các chất như sắt, kẽm, folat, vitamin A, PP, B, D có trong sữa đậu nành rất tốt đối với sự phát triển của thai nhi và hạn chế các tình trạng xấu như trẻ bị nhẹ cân, sinh non, còi xương, loãng xương ở mẹ bầu.
– Ngoài ra, trong đậu nành còn chứa các chất xơ hòa tan và không hòa tan, có tác dụng kiểm soát đường huyết thai kỳ và phòng tránh hiện tượng táo bón ở phụ nữ mang thai.
Sữa đậu nành có gây ảnh hưởng đến giới tính của thai nhi hay không?
– Theo các nhà nghiên cứu đã khẳng định chưa có một bằng chứng nào chứng minh estrogen có trong đậu nành gây ảnh hưởng đối với giới tính sinh sản của các bé trai và không thể làm teo tinh hoàn hay gây vô sinh như nhiều người đồn đại.
– Nghiên cứu năm 2001 của tiến sĩ Daniel Doerge và các đồng nghiệp đã chỉ ra, không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy chất isoflavone có trong đậu nành được hấp thụ qua nhau thai người.
– Năm 2002, nghiên cứu của tiến sĩ Thomas Badger được đăng trên Tạp chí Dinh dưỡng Mỹ cho biết, một nhóm những đứa trẻ trong nghiên cứu đã sử dụng sữa công thức làm từ đậu nành và không phát hiện ra bất cứ dấu hiệu có hại nào từ đậu nành ảnh hưởng đến sức khỏe.
Những lưu ý khi bà bầu uống sữa đậu nành.
– Bà bầu tự làm sữa đậu nành cần đun sôi kỹ, để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và tránh gây nên các hiện tượng buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy.
– Chú ý, bà bầu không nên ăn cam, quýt trước hoặc sau khi uống sữa đậu nành vì axit có trong các loại trái cây này có thể kết hợp với protein của đậu nành gây ra kết tủa ở ruột, khiến mẹ bầu bị đầy bụng, khó tiêu hoặc tiêu chảy.
– Không bỏ trứng gà vào uống chung với sữa đậu nành. Vì albumin chứa trong trứng gà kết hợp với trypsine trong đậu nành sẽ tạo ra những chất khiến cơ thể bà bầu khó hấp thu và làm giảm giá trị dinh dưỡng.
– Không nên uống sữa đậu nành cùng các loại đường nâu. Do protein trong đậu nành kết hợp với axit hữu cơ có trong đường nâu sẽ làm phá hủy các chất dinh dưỡng có trong sữa và gây ảnh hưởng khả năng tiêu hóa của mẹ bầu.
– Mẹ bầu nên ăn kèm các thực phẩm tinh bột khi uống sữa đậu nành sẽ giúp chuyển hóa các chất dinh dưỡng tốt hơn.
Mai Nga (t/h)