Với lợi ích mà trái cây mang lại, mọi ngừi thường xuyên ăn nhiều trái cây. Tuy nhiên, người bị bệnh đái tháo đường nên hạn chế lượng trái cây trong khẩu phần ăn uống hàng ngày.
Mặc dù trái cây cung cấp cho cơ thể nước, chất xơ, lượng đường cùng nhiều vitamin và các khoáng chất khác nhưng lượng đường mà trái cây mang lại có thể làm tăng hoặc giảm mức đường huyết ở người bệnh. Do đó, người bệnh và gia đình nên lưu ý những vấn đề sau:
Người bệnh nên kết hợp nhiều loại trái cây khác nhau, chứ không nên ăn chủ yếu một loại trái cây duy nhất.
Những người có mức đường huyết cao nên hạn chế ăn những loại trái cây được sấy khô vì những loại trái cây này có chứa hàm lượng chất phụ gia, chất bảo quản nên lượng đường khá cao. Ngược lại, những người này cũng nên thường xuyên ăn những loại trái cây tươi, giàu chất xơ, có nhiều nước.
Ngoài ra, cũng nên lưu ý một số loại trái cây có thể làm tăng mức đường chẳng hạn như mít, sầu riêng, nhãn, vải… Một số loại trái cây có lượng đường ít hơn như thanh long, ổi, táo, cóc, lê…
Tuy nhiên, người mắc bệnh này không nên bỏ bữa ăn hàng ngày và thay thế chúng bằng các loại trái cây. Ngoài ra, cũng không nên ăn quá nhiều lần trái cây trong ngày, tốt nhất chỉ ăn từ 2-3 lần trong một ngày. Người bệnh nên ăn cả vỏ để cung cấp chất xơ cho cơ thể, như vậy, sẽ giúp cơ thể không mắc bệnh táo bón. Việc ép trái cây thành nước uống có thể làm tăng lượng đường, khiến cơ thể có mức đường huyết cao hơn.
Tùy vào người bệnh và tình trạng bệnh như thế nào mà mỗi người có mức đường huyết khác nhau, do đó, bạn cần thường xuyên để ý, theo dõi mức đường huyết của mình để áp dụng các loại trái cây vào bữa ăn của mình cho hợp lý.