Tư thế bú đúng cách không chỉ giúp mẹ và bé được thoải mái hơn mà còn góp phần không nhỏ để các bé có thể hấp thu được tối đa chất dinh dưỡng có trong sữa mẹ
1. Tư thế cho trẻ bú
Tư thế bú đúng cách không chỉ giúp mẹ và bé được thoải mái hơn mà còn góp phần không nhỏ để các bé có thể hấp thu được tối đa chất dinh dưỡng có trong sữa mẹ:
– Đối với trẻ sơ sinh, khi cho bé bú, mẹ cần ẵm bé sao cho đầu và thân bé nằm trên cùng một đường thẳng, bụng bé áp sát với bụng mẹ, môi bé chạm vào đầu ti, miệng bé chạm vào bầu ngực của mẹ. Đồng thời, tay mẹ đỡ đầu, thân và mông bé.
Để nhận ra bé đã được bú đúng cách hay chưa mẹ có thể nhìn vào một số dấu hiệu sau:
– Quầng vú phía trên còn nhiều hơn phía dưới
– Cằm bé chạm vào vú mẹ
– Môi dưới của bé hướng ra ngoài
– Miệng bé mở rộng
Ngoài ra, để bé bú dễ dàng hơn mẹ có thể hỗ trợ cho bé, đặc biệt là những bé sơ sinh dưới 1 tháng tuổi, bằng cách đặt ngón tay tựa vào thành ngực phía dưới vú, ngón tay trỏ nâng vú và ngón tay cái để ở phía trên. Mẹ cần lưu ý là các ngón tay không nên để quá gần núm ti khiến trẻ khó ngậm đầu ti.
Đối với nhiều chị em, nhất là những người lần đầu làm mẹ, chắc chắn sẽ lung túng và gặp khó khăn trong việc cho con bú. Sau một thời gian, nếu mẹ thấy trẻ tăng cân kém (dưới 600 gram/tháng), trẻ hay quấy khóc, đi tiểu ít (dưới 6 lần/ngày) và nước tiểu vàng, trẻ không thỏa mãn sau mỗi bữa bú, đi ngoài phân rắn hoặc xanh, ít phân… thì rất có thể mẹ đã cho bé bú sai cách hoặc bị thiếu sữa.
Khi thấy xuất hiện các triệu chứng này mẹ cần sửa lại cách bú hoặc đến các trung tâm y tế để được tư vấn và xử lý kịp thời.
2. Những triệu chứng thường gặp ở ngực mẹ trong thời kỳ cho con bú
– Mất sữa: Có nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng mất sữa ở nhiều chị em hiện nay như do vệ sinh núm vú không đúng cách hoặc trong thời kỳ mang thai không vệ sinh núm vú, tâm lý căng thẳng, lo âu, không uống đủ nước, ăn thiếu chất, chế độ nghỉ ngơi không hợp lý…
Ngoài ra, một số nguyên nhân như cho trẻ bú không đúng cách khiến trẻ không có lực bú và không kích thích được việc sản xuất sữa, sữa dư thừa làm tắc tuyến sữa, viêm vú, áp xe tuyến vú dần cũng dẫn đến việc mất sữa.
Để phòng ngừa và xử lý hiện tượng trên mẹ cần vệ sinh nhẹ nhàng và sạch sẽ núm vú trong mỗi lần tắm, hạn chế các tâm lý tiêu cực, cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng và uống nhiều nước. Đồng thời, cần có sự hướng dẫn về cách bú đúng cách cho trẻ từ các bác sĩ và chuyên gia y tế.
– Căng, đau bầu ngực: Sau khi sinh xong 2 – 3 ngày, sữa về và bầu ngực mẹ bắt đầu có cảm giác căng lên và đau. Sờ vào mẹ còn thấy có cục nổi lên, tuy nhiên, mẹ không cần lo lắng quá vì đó là do sữa về nhiều.
Để xử lý căng, đau bầu ngực mẹ nên cho bé bú thường xuyên hơn, sau mỗi lần bú vắt hết lượng sữa còn lại trong vú, lau sạch bằng khăn thấm nước ấmn và massage nhẹ nhàng. Chắc chắn chỉ sau vài ngày, khi bé đã quen bú, ngực mẹ sẽ bớt đau ngay.
– Nứt đầu vú: Nguyên nhân của nứt đầu vú là do không cho trẻ bú đúng cách, vệ sinh không sạch sẽ. Từ đó xuất hiện các vết nứt, vết rạn nhỏ trên bề mặt, vết loét ở đầu vú hay chân núm vú. Toàn bộ núm vú bị đỏ rực, chảy máu và đau rát mỗi khi cho bú.
Biện pháp xử lý cho triệu chứng này đó là mẹ cần giữ khô, để hở, bôi mỡ vào bên có núm bị nứt. Cho bé bú bên lành, tạm ngưng cho bé bú bên nứt khoảng 6 – 12 giờ.Chú ý cho trẻ bú đúng cách, vệ sinh sạch sẽ vú mỗi ngày và khi bị nứt sau khi bé bú xong mẹ có thể vắt ra một ít sữa để bôi lên núm vú và chân vú để nhanh lành hơn.
Thanh Hải