Ở tuần mang thai thứ 14, bà bầu đã bắt đầu quen với những thay đổi trong cơ thể của mình. Tuy vậy, bà bầu vẫn cần chú ý một số vấn đề quan trọng sau đây.
Tuần mang thai thứ 14 và sự phát triển của thai nhi.
Ở tuần này, thai nhi có thể dài tới 10cm tính từ đầu tới mông và nặng khoảng 70g. Chân tay bé đã khỏe và dài hơn trước, đồng thời bé cũng đã có thể cử động hết các khớp chân tay. Chính vì thế, đây là tuần mà bé di chuyển rất nhiều trong bụng mẹ.
Dù mí mắt bé vẫn còn khép chặt nhưng bé đã có thể cảm nhận được ánh sáng. Các cơ kiểm soát mắt cũng bắt đầu làm việc để bé có thể chuyển động mắt qua hai bên. Bên cạnh đó, đôi môi bé đã biết mấp máy và mở ra để thực hiện các động tác phục vụ cho việc nuốt và thở. Các túi sơ khai trên phổi cũng được phát triển hơn so với các tuần trước đó.
Trong tuần mang thai thứ 14, não của bé phát triển vô cùng mạnh mẽ và tai của bé cũng gần như được hoàn thiện. Dù không có gì để nếm nhưng vị giác của bé đã được hình thành. Ngoài ra, cơ thể bé cũng bắt đầu sản sinh ra hoocmon tuyến giáp do tuyến giáp đã được hoàn chỉnh. Từ tuần này, tuy hình ảnh và vị trí của bé còn chưa rõ nhưng bạn vẫn có thể biết được giới tính của con mình thông qua siêu âm.
Tuần mang thai thứ 14 và những thay đổi của mẹ.
Ở tuần mang thai thứ 14, bà bầu sẽ tăng khoảng 2kg so với trước lúc mang thai. Dù bà bầu đã quen với những thay đổi của cơ thể nhưng một vài triệu chứng mới có thể sẽ xuất hiện. Chẳng hạn, tình trạng viêm mũi khi mang thai xuất hiện rất phổ biến trong tuần này khiến mũi bà bầu bị ửng đỏ. Thậm chí, do giãn mạch và tăng lượng máu mà nhiều bà bầu còn bị chảy máu mũi.
Nướu của bà bầu trong giai đoạn này trở nên nhạy cảm và dễ bị chảy máu khi đánh răng. Vì vậy, việc sử dụng loại bàn chải đánh răng mềm, dùng chỉ nha khoa thay cho tăm và đi khám răng miệng thường xuyên là những điều rất cần thiết đối với bà bầu.
Táo bón vẫn là tình trạng khiến nhiều bà bầu khó chịu trong tuần mang thai thứ 14. Bà bầu hãy uống đủ nước, ăn nhiều rau củ, trái cây và tập thể dục thường xuyên để cải thiện tình trạng này.
Dịch âm đạo bắt đầu ra nhiều và gây ra những sự khó chịu cho bà bầu. Tuy nhiên, mẹ không cần phải quá lo lắng vì đây là một hiện tượng rất bình thường và phổ biến. Chỉ khi dịch âm đạo gây ngứa và có mùi khó chịu thì bà bầu nên tìm gặp bác sĩ để được khám và tư vấn.
Đôi khi bà bầu sẽ cảm thấy đau nhói ở hai bên bụng do các chằng và cơ dãn ra khi tử cung to lên. Các mẹ cần tránh đứng quá lâu và chuyển đổi tư thế đột ngột để không làm tình trạng này tồi tệ hơn.
Đây cũng là tuần mà mẹ không có nhiều căng thẳng và áp lực. Do đó, hãy dành khoảng thời gian thoải mái và dễ chịu này cho gia đình hoặc chính những sở thích riêng của mình nhé.
Tuần mang thai thứ 14 và lời khuyên dành cho mẹ.
Mẹ nên có nhiều tương tác với thai nhi bằng các nói chuyện, đọc sách hay kể chuyện cho bé nghe. Điều này sẽ giúp con bạn khi sinh ra có khả năng ngôn ngữ phát triển hơn những đứa trẻ cùng trang lứa.
Ngoài ra, tiến hành những xét nghiệm cần thiết, tiêm chủng vắc xin và khám thai theo lịch cũng là những việc mà bà bầu nên làm trong tuần mang thai thứ 14 này.
Nguyễn Nga